Cơ sở dữ liệu TransferPricing.vn có công bố Biên độ thị trường lợi nhuận các ngành kinh tế Việt Nam năm 2017 và 2018 dựa trên số liệu Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các công ty đại chúng tại Việt Nam.
Mặc dù Biên độ thị trường này chủ yếu dành cho việc lập Hồ sơ giao dịch liên kết (chuyển giá) theo Nghị định 20, tuy nhiên dựa vào số liệu này, chúng ta có thể đánh giá được ngành nào lãi nhất Việt Nam.
Trước tiên, sơ qua về cách trình bày số liệu, do Cơ sở dữ liệu TransferPricing.vn chủ yếu phục vụ cho việc lập hồ sơ chuyển giá nên họ trình bày biên độ thị trường theo hàm tứ phân vị, theo đó giá trị nằm trong khoảng tứ phân vị thứ 1 đến tứ phân vị thứ 3 được gọi là biên độ thị trường.
Hàm tứ phân vị chia tập hợp được quan sát thành 4 phần đều nhau theo thứ tự tăng dần:
+ Khoảng thứ 1 (từ min đến tứ phân vị thứ 1): chứa 25% số lượng quan sát
+ Khoảng thứ 2 (từ tứ phân vị thứ 2 đến trung vị): chứa 25% số lượng quan sát
+ Khoảng thứ 3 (từ trung vị đến tứ phân vị thứ 3): chứa 25% số lượng quan sát
+ Khoảng thứ 4 (từ tứ phân vị thứ 3 đến max): chứa 25% số lượng quan sát
Như vậy, chúng ta sẽ sử dụng giá trị trung vị để so sánh lợi nhuận giữa các ngành kinh tế của Việt Nam. Giá trị trung vị đại diện cho 50% số lượng công ty trong ngành có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn giá trị đó.
Có một điều hay khi sử dụng hàm tứ phân vị để so sánh là nó sẽ giảm nhiễu khi có một vài công ty trong ngành có mức tỷ suất lợi nhuận cao hoặc thấp bất thường (ít ảnh hưởng đến các giá trị tứ phân vị).
Tỷ suất lợi nhuận được sử dụng là EBIT trên doanh thu, chi phí hoặc tài sản. EBIT ở đây là giá trị lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thuần (không bao gồm hoạt động tài chính, hoạt động khác) nên tỷ suất lợi nhuận đáng tin cậy hơn.

Xét về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, ngành “Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” (mã ngành cấp 1 là D theo phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam) đang chiếm vị trí quán quân với giá trị trung vị là 44,87% tương ứng với 50% các công ty trong ngành này có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn mức này, bỏ xa ngành đứng thứ 2 là ngành “E – Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải” với giá trị trung vị là 12,25%.
Đứng vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt là ngành “I – Dịch vụ lưu trú và ăn uống” và ngành “L – Hoạt động kinh doanh bất động sản” với giá trị trung vị lần lượt là 11,09% và 10,91%.
Đứng 2 vị trí cuối cùng trong Bảng xếp hạng lần lượt là ngành “N – Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ” (xếp hạng 13) và ngành “G – Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” (xếp hạng 14) với giá trị trung vị lần lượt là 3,36% và 2,29%.
Như vậy, nếu so sánh với ngành kiểm toán năm 2018, theo số liệu của Bộ Tài chính công bố thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt mức 3,33%, tức là ngang với ngành xếp hạng gần cuối trong các ngành kinh tế Việt Nam trong năm 2018.
Xem thêm: Tổng quan thị trường kiểm toán năm 2018
Nếu sử dụng chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí, vị trí xếp hạng cũng không biến động nhiều giữa các ngành Top trên và Top dưới so với việc sử dụng chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Đứng đầu vẫn là ngành “D – Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” với giá trị trung vị là 81,38%, tiếp theo là ngành “E – Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải” với giá trị trung vị là 13,96%.
Xếp vị trí thứ 13 và 14 vẫn là ngành “N – Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ” và ngành “G – Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác” với giá trị trung vị là 3,48% và 2,34%.
Nếu xét theo hiệu quả lợi nhuận trên Tổng Tài sản thì các ngành kinh tế có nhiều biến động so với việc sử dụng các chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu hay chi phí.

Đứng đầu vẫn là ngành “D – Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí” với giá trị trung vị là 10,18% nhưng xếp vị trí tiếp theo lại là ngành “R – Nghệ thuật, vui chơi và giải trí” với giá trị trung vị là 8,42%, ngành “B – Khai khoáng” với giá trị trung vị là 7,78%.
Đứng cuối bảng xếp hạng theo tiêu chí này lại là ngành “A – Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” với giá trị trung vị là 2,12% và đứng liền ngay bên trên là ngành “L – Hoạt động kinh doanh bất động sản“.
Để xem thêm chi tiết về cách xây dựng Biên độ thị trường hay tra cứu chi tiết các ngành cấp 2, các bạn có thể vào link sau:
https://transferpricing.vn/bien-do-thi-truong-loi-nhuan-cac-nganh-kinh-te-viet-nam/